Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, TKCN được tổ chức triển khai liên tục, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng với mô hình tổ chức hành chính mới, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng người dân, bảo vệ tài sản của Nhân dân và Nhà nước, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục triển khai một số nội dung sau:
1. Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai và TKCN theo chức năng nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị đảm bảo đáp ứng theo mô hình tổ chức hành chính mới theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, các sở, ban, ngành.
2. Tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật và tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân, cán bộ chính quyền địa phương.
3. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư; để chủ động phương án sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn phòng ngừa thiên tai, sự cố. Tăng cường tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện vi phạm, các hư hỏng, sự cố; chủ động triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, duy tu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của Nhân dân,...
4. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh phương án phòng chống thiên tai và TKCN, cứu hộ phù hợp tình hình thực tế đảm bảo sự chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp xử lý các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra trên địa bàn năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
5. Chủ động cập nhật hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, vùng nguy cơ úng ngập, các điểm xung yếu, lực lượng dự kiến tiếp tục triển khai công tác PCTT&TKCN theo địa giới hành chính mới khi đi vào hoạt động. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, vật tư, tài chính theo phương châm 4 tại chỗ sẵn sàng phối hợp, triển khai hiệp đồng khi có tình huống thiên tai xảy ra trên nhiều địa bàn chính quyền xã mới.
6. Sau khi bộ máy chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động: Chính quyền cấp xã mới phối hợp với các sở ban, ngành, các đơn vị chức năng trên địa bàn thực hiện rà soát, triển khai ngay các hoạt động PCTT & TKCN (hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm sau 15 ngày chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động).
Tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ bộ máy chỉ huy, chỉ đạo và lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, TKCN trên địa bàn. Rà soát, cập nhật, bổ sung, xây dựng, phê duyệt các kế hoạch, phương án PCTT&TKCN năm 2025 và các năm tiếp theo; chú trọng công tác chuẩn bị, hiệp đồng nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ tương ứng với địa giới hành chính mới; chủ động phối hợp xây dựng phương án hiệp đồng giữa các địa phương, đơn vị giáp ranh và có nguy cơ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của thiên tai, sự cố.