I. Vị trí địa lý, diện tích, dân số
1. Sự hình thành: Xã Quang Minh được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Chi Đông, thị trấn Quang Minh (thuộc huyện Mê Linh); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã : Kim Hoa, Đại Thịnh (thuộc huyện Mê Linh); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Mê Linh, Thanh Lâm, Tiền Phong (thuộc huyện Mê Linh). Lý do lấy tên xã mới là Quang Minh: Quang Minh là một trong các xã của huyện Mê Linh; bảo đảm phù hợp với việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
2. Vị trí địa lý: Xã Quang Minh giáp các xã: Nội Bài, Phúc Thịnh, Tiến Thắng, Mê Linh của thành phố Hà Nội.
3. Diện tích, dân số: Xã Quang Minh có diện tích tự nhiên là 32,17 km2; quy mô dân số là 69.623 người.
II. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Xã Quang Minh nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, giữ vai trò là cửa ngõ kết nối Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc thông qua các tuyến giao thông trọng điểm như quốc lộ 23, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Võ Văn Kiệt. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi để xã phát triển công nghiệp, dịch vụ hậu cần và các ngành kinh tế đô thị hiện đại.
Diện tích rộng, dân cư đông và cộng đồng đa dạng về văn hóa là lợi thế giúp Quang Minh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nguồn lao động dồi dào, trình độ ngày càng được nâng cao, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của địa phương.
1. Đặc điểm kinh tế
Quang Minh có vị trí giao thông và kinh tế quan trọng, đặc biệt là khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vai trò kết nối liên vùng và trung chuyển hàng hóa, dịch vụ.
Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tại Quang Minh phát triển mạnh mẽ, với hạt nhân là Khu công nghiệp Quang Minh - nơi tập trung hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khu vực Chi Đông phát triển sôi động về thương mại và dịch vụ, trở thành đầu mối phân phối hàng hóa và dân cư.
Nông nghiệp tại Quang Minh đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và phát triển mô hình nông nghiệp đô thị. Nhiều diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chuyển đổi phục vụ phát triển hạ tầng, nhà ở và đô thị vệ tinh, phản ánh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với định hướng phát triển vùng Thủ đô.
2. Đặc điểm văn hóa - xã hội
Xã Quang Minh có các làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian, đình - chùa cổ và các di tích lịch sử, tiêu biểu là chùa Phúc Long, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Lễ hội đền - chùa Chi Đông được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, diễn ra từ ngày 6 đến 10 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động đặc sắc như: vật truyền thống, cờ tướng, đá gà… Đặc sản ẩm thực của địa phương nổi bật là bánh đa thôn Ngọc Trì, thể hiện nét văn hóa ẩm thực truyền thống đặc sắc.
Xã Quang Minh cũng là nơi thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã tạo nên một không gian văn hóa năng động, phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của địa phương.
Về giáo dục, xã đã tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt". Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng, góp phần tạo nền tảng bền vững cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Nhiều trường học trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết kế lại cảnh quan sư phạm, trồng hoa và cây xanh nhằm kiến tạo không gian học tập thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, thể chất và tinh thần.
Về y tế, xã Quang Minh có đủ số lượng trạm y tế đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác tiêm chủng và phòng ngừa dịch bệnh.